Burn Rate là gì? Cách quản lý tỷ lệ tiêu hao vốn hiệu quả trong Startup

by Ha Vy
50 lượt xem
Burn Rate là gì? Cách quản lý tỷ lệ tiêu hao vốn hiệu quả trong Startup

Bạn đã từng tự hỏi một Startup có thể chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng chưa? Hoặc làm thế nào để biết rằng một Startup đang chi tiêu vượt mức cần thiết? Burn Rate là một thuật ngữ quan trọng trong thế giới khởi nghiệp mà không phải Startup nào cũng nắm rõ. Vậy Burn Rate là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào? Những loại hình doanh nghiệp nào cần quan tâm đến Burn Rate? Bài viết này của dautu.world sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.

Burn Rate là gì?

Burn Rate là chỉ số biểu thị tốc độ tiêu hao vốn của một công ty Startup, cho thấy lượng tiền mặt mà công ty sử dụng hàng tháng để duy trì hoạt động trước khi tạo ra dòng tiền dương. Điều này bao gồm số vốn mạo hiểm được chi tiêu trước khi công ty bắt đầu tạo ra doanh thu.

Tỷ lệ này được coi là thước đo quan trọng để đánh giá thời gian mà công ty có thể tồn tại trước khi hết vốn, thường được gọi là “đường băng tài chính”. Nếu nguồn vốn cạn kiệt, Startup sẽ phải tạo ra lợi nhuận, tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung, hoặc trong trường hợp xấu nhất, đóng cửa công ty. Đây là một trong những chỉ số tài chính quan trọng mà các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trước khi quyết định đầu tư.

Burn Rate là gì

Burn Rate là gì

Tầm quan trọng của Burn Rate

Burn Rate thể hiện số tiền mà một công ty Startup chi tiêu mỗi tháng. Ví dụ, nếu Burn Rate là 1 triệu USD, điều này có nghĩa là công ty đang tiêu tốn 1 triệu USD mỗi tháng. Các công ty và nhà đầu tư thường sử dụng tỷ lệ đốt tiền để theo dõi lượng tiền mặt mà Startup chi tiêu, từ đó ước tính khoảng thời gian mà công ty có thể hoạt động cho đến khi tạo ra thu nhập hoặc cần gọi vốn lần tiếp theo.

Một Burn Rate cao cho thấy Startup phải trang trải nhiều chi phí và có nhu cầu huy động vốn lớn, điều này có thể khiến nhà đầu tư e ngại. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn là xấu nếu công ty đang sử dụng tiền để tạo ra doanh thu hoặc mở rộng quy mô.

Burn Rate giúp Startup theo dõi chi tiêu và điều chỉnh chiến lược phù hợp. Chẳng hạn, trong giai đoạn khởi đầu, các Startup thường có Burn Rate khá cao do chưa tạo ra doanh thu. Bằng cách cắt giảm chi phí hoặc tìm phương án sản xuất ít tốn kém, Startup có thể giảm Burn Rate và gia tăng thời gian hoạt động với số tiền hiện có.

Phân loại Burn Rate

Burn Rate được chia thành 2 loại, bao gồm:

  • Gross Burn Rate (Tỷ lệ đốt tiền gộp): Tổng chi phí hoạt động của công ty trong một tháng, bất kể nguồn tiền đến từ đâu (vốn đầu tư, doanh thu,…). Ví dụ: Lương nhân viên, chi phí thuê văn phòng, giá vốn bán hàng,….
  • Net Burn Rate (Tỷ lệ đốt tiền ròng): Tổng số tiền thực tế mà công ty chi tiêu mỗi tháng. Nếu công ty có lợi nhuận, Net Burn Rate sẽ là số âm do doanh thu lớn hơn chi phí bỏ ra.

Mối quan hệ giữa Gross Burn Rate và Net Burn Rate được biểu thị bằng công thức:

Net Burn Rate = Gross Burn Rate – Doanh thu 1 tháng

Ví dụ: Công ty khởi nghiệp lĩnh vực sản xuất thực phẩm có các chi phí sau:

Thuê nhà xưởng: 10.000 USD

Nguyên liệu sản xuất: 20.000 USD

Nhân viên: 30.000 USD

Gross Burn Rate của công ty: 60.000 USD/tháng

Công ty này tạo ra doanh thu bán hàng: 50.000 USD và 10.000 USD lợi nhuận gộp. Net Burn Rate của công ty sẽ là 60.000 – 10.000 = 50.000 USD.

Mặc dù công ty đang chi 60.000 USD/ tháng nhưng do có doanh thu 50.000 USD và lợi nhuận gộp 10.000 USD, Net Burn chỉ là 50.000 USD. Điều này có nghĩa là công ty đang “đốt tiền” với tốc độ 50.000 USD mỗi tháng.

Nếu công ty có 1.000.000 USD trong ngân hàng, đường băng tài chính sẽ duy trì được 20 tháng (1.000.000 USD / 50.000 USD).

Burn Rate có liên quan gì đến huy động vốn?

Trong giai đoạn đầu, các Startup thường có tỷ lệ Burn Rate cao do hầu như chưa tạo ra doanh thu. Khi chi phí lớn hơn thu nhập, tiền vốn dần cạn kiệt và nếu gần hết tiền vốn, công ty phải huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư.

Burn Rate chỉ trở thành vấn đề khi tiền vốn cạn kiệt hoặc công ty không đạt được các mốc quan trọng đã đề ra (Milestones).

Khi bắt đầu có doanh thu, tỷ lệ đốt tiền sẽ dần giảm về 0. Nếu doanh thu tăng, tỷ lệ Burn Rate sẽ trở nên âm, nghĩa là công ty bắt đầu có lợi nhuận. Ngược lại, nếu doanh thu không tăng và công ty tiếp tục thâm hụt, tỷ lệ đốt tiền sẽ ở mức Default Dead, nghĩa là công ty hết tiền và phải đóng cửa.

Burn Rate có liên quan gì đến huy động vốn

Burn Rate có liên quan gì đến huy động vốn

Tuy nhiên, nếu công ty khởi nghiệp sử dụng tiền quá chậm, điều này có thể bị nhà đầu tư coi là dấu hiệu của sự trì trệ và chậm chạp trong kế hoạch phát triển. Không nhà đầu tư nào muốn rót vốn vào các công ty chỉ giữ nguyên tiền vốn mà không có sự tăng trưởng tích cực trong kết quả kinh doanh.

Bài toán tăng – giảm Burn Rate

Việc quá chú trọng đến Burn Rate có thể làm giảm tốc độ phát triển của công ty khởi nghiệp. Burn Rate cần được cân bằng dựa trên tình hình tài chính, giai đoạn phát triển và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với một số Startup trong giai đoạn đầu, việc đầu tư mạnh tay vào phát triển sản phẩm, marketing,… là cần thiết. Khi doanh thu tăng, nó có thể bù đắp cho Burn Rate cao.

Lo lắng về việc “đốt tiền” có thể khiến công ty trì hoãn hoặc cắt giảm các khoản đầu tư cần thiết cho quá trình tăng trưởng như nghiên cứu và phát triển, marketing, và tuyển dụng nhân tài. Một số công ty khởi nghiệp có thể đưa ra các quyết định sai lầm, cắt giảm chi phí cho những hoạt động quan trọng hoặc thiếu tầm nhìn xa khi chỉ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược phát triển và mục tiêu dài hạn của Startup.

Những đối tượng nào nên quan tâm?

Startup với vốn đầu tư mạo hiểm

Trong giai đoạn đầu, các Startup thường duy trì hoạt động dựa vào nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Trước khi tạo ra lợi nhuận, các công ty khởi nghiệp này có thể gặp thua lỗ, cạn kiệt tiền vốn, và thậm chí phá sản. Đó là lý do tại sao các Startup cần đo lường và theo dõi chỉ số này để lập kế hoạch vượt qua giai đoạn đầu và đạt đến điểm hòa vốn. Burn Rate còn là chỉ số tài chính quan trọng mà các nhà đầu tư sử dụng để so sánh với lợi nhuận công ty kiếm được khi cân nhắc việc hỗ trợ vốn.

Công ty mới chưa có doanh thu

Tỷ lệ này sẽ giúp doanh nghiệp trả lời câu hỏi về thời gian có thể duy trì hoạt động dựa trên số tiền hiện có nếu không tạo ra lợi nhuận. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp triển khai các hoạt động thu hút và chuyển đổi khách hàng nhằm mang lại lợi nhuận dương.

Các tập đoàn có khoản vay lớn

Để duy trì hoạt động và mở rộng quy mô, nhiều doanh nghiệp tìm đến các khoản vay tín dụng. Trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào, doanh nghiệp cần xác định khoảng thời gian cần thiết để thúc đẩy doanh thu trước khi trả hết các khoản vay. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch trả lãi hàng tháng và trả gốc khi đã tạo ra lợi nhuận.

Các công ty cắt giảm nhiều khoản ngân sách

Công ty có nguy cơ thua lỗ và phá sản nếu cứ đốt tiền với tốc độ quá nhanh. Việc chi tiêu quá mức so với các khoản thu vào thường dựa trên 3 hoạt động chính:

  • Marketing và xây dựng thương hiệu không mang đến hiệu quả dù sử dụng quá nhiều nguồn vốn.
  • Hợp tác với nhà cung cấp quá sớm dù chưa thương lượng hoặc tìm kiếm các nhà cung cấp tốt hơn.
  • Lãng phí tiền lương cho nhân viên và chi phí thuê văn phòng. Nhiều công ty khởi nghiệp có xu hướng tuyển dụng quá nhiều người để trông giống một công ty. Dựa vào đó, các Startup có thể giảm chi phí nhân sự và tối ưu tài nguyên con người.

Kết luận

Việc theo dõi và quản lý Burn Rate đóng vai trò then chốt đối với sự sống còn của mọi Startup. Tỷ lệ đốt tiền giúp các công ty khởi nghiệp đánh giá khả năng tồn tại, lập kế hoạch tài chính hợp lý và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thước đo tài chính quan trọng trong lĩnh vực khởi nghiệp. Chúc bạn thành công!

About The Author

Có tý liên quan

Để lại bình luận